Kiến Thức Cơ Bản Về Barista
Barista là gì?
Từ Barista bắt nguồn từ tiếng Ý để chỉ những người trông coi quầy bar. Trong tiếng Ý, thể số nhiều của chữ này là Baristi (để chỉ những barista nam) và Bariste (để nói về các barista nữ). Trong tiếng Anh, ý nghĩa của từ này có sự thay đổi đôi chút. Một barista trong tiếng Ý là người phục vụ mọi loại thức uống bao gồm cà phê, các thức uống có cồn và không có cồn…. Còn trong tiếng Anh, barista được dùng để nói về những thợ pha cà phê chuyên nghiệp bao gồm Espresso và các món Espresso cùng với các thức uống cà phê với các cách pha chế khác như V60, Aeropress…. Các barista được hiểu theo tiếng Anh được tìm thấy chủ yếu trong các quán cà phê. Ở Đức, chữ barista này cũng được hiểu theo nghĩa của tiếng Anh. Ở Việt Nam, chữ barista cũng được sử dụng để chỉ những thợ pha cà phê chuyên nghiệp.
Các Barista làm gì?
Sẽ không quá để nói rằng, các barista là linh hồn của các quán cà phê. Có thể bạn sẽ hỏi vì sao. Vì khách hàng đến một quán cà phê lần đầu có thể là vì không gian đẹp, quán mới mở, nhưng để họ có thể quay lại thì cần phải làm cho họ có cảm nhận tốt và đặc biệt là các món cà phê được pha chế chỉnh chu, tử tế nhất. Và công việc pha chế các món cà phê chỉnh chu, chu đáo đó thuộc về các barista.
Barista là những người chuẩn bị các thức uống cà phê bao gồm các espresso và các món cà phê Ý như latte, cappuccino, americano… Để làm được những món này, họ cần được trải qua quá trình đào tạo kỹ càng. Quá trình đào tạo và học hỏi cũng như luyện tập sẽ giúp cho các barista có các kỹ năng cơ bản về:
- Cà phê hạt rang: bao gồm các kiến thức về các loại cà phê khác nhau, các mức độ rang khác nhau ở mức độ cơ bản để có cơ sở làm ra các thức uống cà phê chu đáo và tử tế. Không những vậy, các barista cũng cần có kiến thức cà phê hạt rang để… tư vấn các sản phẩm cà phê hạt cho khách hàng nữa chứ. Có một điều tôi thường gặp khi đến các quán cà phê có thể được xem là sang trọng chính là khách muốn mua các gói cà phê hạt, bột mà không có người tư vấn. Ngoài ra, các barista cũng cần có kỹ năng thẩm định hương vị của cà phê để đưa ra các quyết định khi thiết kế các món thức uống và trong việc pha chế hàng ngày trong quán.
- Xay và đong lượng bột cà phê: mỗi món cà phê yêu cầu độ mịn của bột cà phê khác nhau. Điều này bình thường bạn sẽ ít để ý, nhưng nếu ghiền cà phê, bạn sẽ hiểu rõ. Ví dụ pha espresso thì độ mịn cần mịn hơn so với pha phin và pha V60 cùng các kiểu pour over. Không chỉ về độ mịn, còn có độ đồng đều có bột cà phê…. Ngoài ra, lượng cà phê của mỗi cách pha cũng khác. Chẳng hạn như lượng cà phê cần cho 1 shot espresso là 7-8g, đối với double shot là 14-16g. Đối với cách pha V60 thì 10g cho 1 ly… Có rất nhiều chi tiết phải học.
- Cách pha chế từng loại món thức uống: khâu này mokazana có thể liệt kê ra rất rất nhiều chi tiết.Ví dụ xung quanh món espresso nhé. Bạn cần tuân thủ định lượng bột cà phê cho 1 shot là bao nhiêu gam (g), thời gian chiết xuất là bao nhiêu giây (thông thường là từ 27-33s), và lượng cà phê chiết xuất ra là bao nhiêu ml nữa (chuẩn chung là 30ml). Để canh được 3 tiêu chí trên, các barista cần phải tập luyện rất nhiều đấy bạn nhé. Đó chỉ là một món espresso thôi. Còn các món cà phê Ý như latte, cappuccino… lại khác. Các món này có sữa được đánh với nước sôi. Lượng sữa và cách đánh sữa của latte và cappuccino là khác nhau để mang đến cảm nhận khác nhau cho khách hàng khi thưởng thức. Quan trọng là khi thực hiện món này nếu bạn là barista lành nghề thì còn phải tạo hình nữa đấy nhé (latte art). Ngoài ra, còn có những loại cà phê được pha không phải bằng nước nóng, gọi chung là Cold brew cũng là một loại thức uống cà phê mà các barista phải học.